Trang chủ / Thông tư nghị định / Luật bảo vệ môi trường / Nghị định 18/2015/NĐ-CP về ĐTM và Kế hoạch bảo vệ môi trường

Nghị định 18/2015/NĐ-CP về ĐTM và Kế hoạch bảo vệ môi trường

Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành các quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường của Luật Bảo vệ môi trường. Nghị định này tài liệu chính thống và chính xác nhất cho các doanh nghiệp cần làm Kế hoạch bảo vệ môi trường.

CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 18/2015/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2015

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Tình trạng: Còn hiệu lực Tải bản PDF
Có hiệu lực từ: 01/04/2015 Tại đây

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành các quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường của Luật Bảo vệ môi trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chương II

QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 3. Lập quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Quy hoạch bảo vệ môi trường được lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội với kỳ đầu cho giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2040 theo hai (02) cấp độ là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

2. Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia gồm những nội dung chính sau đây:

a) Diễn biến, mục tiêu quản lý môi trường rừng, bảo tồn đa dạng sinh học;

b) Thực trạng môi trường biển, hải đảo, lưu vực sông; mục tiêu và các giải pháp bảo tồn, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, lưu vực sông;

c) Thực trạng phát thải khí và chất lượng môi trường không khí; mục tiêu và giải pháp quy hoạch đối với các hoạt động phát triển có nguồn phát thải khí lớn;

d) Thực trạng suy thoái, ô nhiễm môi trường đất; mục tiêu và các giải pháp phòng ngừa suy thoái, ô nhiễm môi trường đất, phục hồi các vùng đất đã bị ô nhiễm, suy thoái;

đ) Thực trạng ô nhiễm môi trường nước; mục tiêu và các giải pháp quản lý nước thải và bảo vệ môi trường nước;

e) Thực trạng thu gom, xử lý và các mục tiêu, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại;

g) Thực trạng mạng lưới quan trắc và giám sát môi trường; mục tiêu, định hướng quy hoạch hệ thống quan trắc và giám sát môi trường;

h) Phân vùng môi trường theo các mục tiêu phát triển, bảo vệ, bảo tồn và ứng phó với biến đổi khí hậu;

i) Các chương trình, dự án bảo vệ môi trường ưu tiên và chỉ tiêu môi trường;

k) Các bản đồ, sơ đồ liên quan đến vùng quy hoạch;

l) Nguồn lực thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường; trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường.

3. Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh được lập dưới hình thức báo cáo riêng hoặc lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội với nội dung sau đây:

a) Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng phải thể hiện được các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều này với yêu cầu chi tiết hơn gắn với vị trí địa lý, điều kiện môi trường tự nhiên, kinh tế – xã hội đặc thù của địa phương lập quy hoạch;

b) Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường dưới hình thức lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội cấp tỉnh phải thể hiện được các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều này với yêu cầu chi tiết hơn gắn với vị trí địa lý, điều kiện môi trường tự nhiên, kinh tế – xã hội đặc thù của địa phương lập quy hoạch, trong đó các nội dung về nguồn lực thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường, trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường được lồng ghép vào các nội dung tương ứng của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết quy trình xây dựng đề cương, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường.

5. Cơ quan chủ trì lập quy hoạch bảo vệ môi trường phải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức được tham vấn; lập hồ sơ đề nghị thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này gửi đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 11 Luật Bảo vệ môi trường để thẩm định.

Điều 4. Thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Việc thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường quy định như sau:

a) Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng được thực hiện thông qua hội đồng thẩm định do thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan tổ chức thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường quy định tại Khoản 2 Điều 11 Luật Bảo vệ môi trường thành lập.

Cơ cấu hội đồng thẩm định gồm Chủ tịch hội đồng, một (01) Phó Chủ tịch hội đồng trong trường hợp cần thiết, hai (02) Ủy viên phản biện, một (01) Ủy viên thư ký và một số Ủy viên, trong đó có đại diện của các cơ quan cùng cấp với cấp độ quy hoạch từ các ngành: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư và các ngành khác có liên quan;

b) Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường dưới hình thức lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức thẩm định đồng thời với việc thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội cấp tỉnh.

2. Hồ sơ đề nghị thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng quy định như sau:

a) Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia gồm văn bản đề nghị thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường của cơ quan chủ trì lập quy hoạch và dự thảo quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia;

b) Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng gồm văn bản đề nghị thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường của cơ quan chủ trì lập quy hoạch và dự thảo quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng.

3. Hội đồng thẩm định có trách nhiệm xem xét nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường và đưa ra ý kiến thẩm định; các hoạt động của hội đồng thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường thực hiện, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Cơ quan thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường được tiến hành các hoạt động sau đây để hỗ trợ hội đồng thẩm định:

a) Lấy ý kiến phản biện độc lập của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường;

b) Tổ chức các cuộc họp, hội thảo chuyên đề liên quan đến nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết biểu mẫu các văn bản, tài liệu, hồ sơ đề nghị thẩm định; tổ chức và hoạt động của hội đồng thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường; xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật lập quy hoạch bảo vệ môi trường.

Điều 5. Phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia

1. Cơ quan chủ trì lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia có trách nhiệm hoàn chỉnh nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường kèm văn bản giải trình về việc tiếp thu ý kiến thẩm định, góp ý.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ đề nghị phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, gồm:

a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo quá trình lập, thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia;

b) Dự thảo quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đã được chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm định, góp ý;

c) Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, trong đó phải thể hiện được mục tiêu, định hướng của quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, các chương trình, dự án bảo vệ môi trường ưu tiên, các chỉ tiêu môi trường, nguồn lực, trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.

Điều 6. Phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh

1. Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng, hồ sơ đề nghị phê duyệt gồm:

a) Tờ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo quá trình lập, thẩm định và tiếp thu các ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh;

b) Dự thảo quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh;

c) Ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh;

d) Dự thảo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường, trong đó phải thể hiện được mục tiêu, định hướng của quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh, các chỉ tiêu môi trường, các chương trình, dự án bảo vệ môi trường ưu tiên, nguồn lực, trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

2. Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh duyệt nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường.

Điều 7. Công khai thông tin về quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi quyết định phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đến các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời gian không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành;

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi quyết định phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh đến các Sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố quyết định phê duyệt và các nội dung chính của quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia trên trang thông tin điện tử của mình và các hình thức khác trong thời gian không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức công bố quyết định phê duyệt và các nội dung chính của quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh trên trang thông tin điện tử của mình và các hình thức khác trong thời gian không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành.

Chương III

ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC

Điều 8. Thực hiện đánh giá môi trường chiến lược

1. Đối tượng quy định tại Phụ lục I Nghị định này phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

2. Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm:

a) Tự thực hiện hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá môi trường chiến lược theo quy định tại các Điều 14 và Điều 15 Luật Bảo vệ môi trường;

b) Gửi hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đến cơ quan có trách nhiệm tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (xác định theo thẩm quyền phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch) quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Bảo vệ môi trường.

3. Tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá môi trường chiến lược chịu trách nhiệm trước cơ quan xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, các thông tin, số liệu do mình tạo lập trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

4. Đối với trường hợp điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và điều chỉnh theo hướng không làm gia tăng hoặc làm gia tăng không đáng kể tác động xấu đến môi trường, cơ quan được giao nhiệm vụ lập hồ sơ điều chỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo xin ý kiến xem xét thay cho việc gửi hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết biểu mẫu các văn bản, tài liệu, hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; xây dựng, ban hành các hướng dẫn kỹ thuật thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

Điều 9. Điều kiện của tổ chức thực hiện đánh giá môi trường chiến lược

1. Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tổ chức dịch vụ tư vấn khi thực hiện đánh giá môi trường chiến lược phải bảo đảm các điều kiện dưới đây:

a) Có cán bộ thực hiện đánh giá môi trường chiến lược đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này;

b) Có phòng thí nghiệm, các thiết bị kiểm chuẩn được xác nhận đủ điều kiện thực hiện đo đạc, lấy mẫu, xử lý, phân tích mẫu về môi trường phục vụ việc đánh giá môi trường chiến lược; trường hợp không có phòng thí nghiệm các thiết bị kiểm chuẩn đáp ứng yêu cầu, phải có hợp đồng thuê đơn vị có đủ năng lực.

2. Cán bộ thực hiện đánh giá môi trường chiến lược phải có trình độ đại học trở lên và phải có chứng chỉ tư vấn đánh giá môi trường chiến lược.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý việc đào tạo, cấp chứng chỉ tư vấn đánh giá môi trường chiến lược.

Điều 10. Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

1. Việc thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được tiến hành thông qua hội đồng thẩm định do Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thành lập với ít nhất chín (09) thành viên.

Cơ cấu hội đồng thẩm định gồm Chủ tịch hội đồng, một (01) Phó Chủ tịch hội đồng trong trường hợp cần thiết, một (01) Ủy viên thư ký, hai (02) Ủy viên phản biện và một số Ủy viên, trong đó có ít nhất ba mươi phần trăm (30%) số thành viên hội đồng có từ năm (05) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đánh giá môi trường chiến lược.

2. Hội đồng thẩm định có trách nhiệm xem xét nội dung báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và đưa ra ý kiến thẩm định. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn hoạt động của hội đồng thẩm định.

3. Cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược có thể được thực hiện bổ sung các hoạt động sau đây:

a) Khảo sát vùng thực hiện dự án và khu vực phụ cận;

b) Kiểm chứng, đánh giá các thông tin, dữ liệu, kết quả phân tích, đánh giá, dự báo trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;

c) Lấy ý kiến của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các chuyên gia liên quan;

d) Tổ chức các cuộc họp chuyên gia đánh giá theo chuyên đề.

4. Cơ quan thẩm định có trách nhiệm tổ chức thẩm định và thông báo kết quả cho cơ quan đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược trong thời hạn quy định như sau:

a) Không quá bốn mươi lăm (45) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của đối tượng thuộc các mục 1, 2, 3, 4, 5.1 và 6 Phụ lục I Nghị định này;

b) Không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của đối tượng thuộc mục 5.2 Phụ lục I Nghị định này.

Điều 11. Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

1. Cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược trong thời hạn tối đa mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đã được cơ quan đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược hoàn chỉnh trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của hội đồng thẩm định.

2. Cơ quan thẩm định, phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có trách nhiệm xem xét toàn diện, khách quan những ý kiến, kiến nghị của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình thẩm định, phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

3. Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược phải thể hiện được quá trình thẩm định, kết quả đạt được và những tồn tại cơ bản của việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, những đề xuất, kiến nghị của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược để cấp có thẩm quyền làm cơ sở xem xét, quyết định phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

4. Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là căn cứ để cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

Chương IV

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

Điều 12. Thực hiện đánh giá tác động môi trường

1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường quy định tại Phụ lục II Nghị định này.

2. Chủ dự án của các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm tự thực hiện hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường và các thông tin, số liệu được sử dụng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

3. Tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường chịu trách nhiệm trước chủ dự án và trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường và các thông tin, số liệu do mình tạo lập trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

4. Trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường, chủ dự án phải tiến hành tham vấn Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thực hiện dự án, các tổ chức và cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án; nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến khách quan, kiến nghị hợp lý của các đối tượng liên quan được tham vấn để hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của dự án đến môi trường tự nhiên đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng.

5. Việc tham vấn ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án và các tổ chức chịu tác động trực tiếp bởi dự án thực hiện theo quy trình sau đây:

a) Chủ dự án gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án và các tổ chức chịu tác động trực tiếp bởi dự án kèm theo văn bản đề nghị cho ý kiến;

b) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án và các tổ chức chịu tác động trực tiếp bởi dự án có văn bản phản hồi trong thời hạn tối đa mười lăm (15) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của chủ dự án, hoặc không cần có văn bản phản hồi trong trường hợp chấp thuận việc thực hiện dự án.

6. Việc tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án được tiến hành dưới hình thức họp cộng đồng dân cư do chủ dự án và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án đồng chủ trì với sự tham gia của những người đại diện cho Ủy ban mặt trận Tổ quốc cấp xã, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ dân phố, thôn, bản được Ủy ban nhân dân cấp xã triệu tập. Ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp phải được thể hiện đầy đủ, trung thực trong biên bản họp cộng đồng.

7. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết biểu mẫu các văn bản, tài liệu của hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; xây dựng, ban hành hướng dẫn kỹ thuật lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chuyên ngành.

Điều 13. Điều kiện của tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường

1. Chủ dự án, tổ chức tư vấn khi thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có đủ các điều kiện dưới đây:

a) Có cán bộ thực hiện đánh giá tác động môi trường đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này;

b) Có cán bộ chuyên ngành liên quan đến dự án với trình độ đại học trở lên;

c) Có phòng thí nghiệm, các thiết bị kiểm chuẩn được xác nhận đủ điều kiện thực hiện đo đạc, lấy mẫu, xử lý, phân tích mẫu về môi trường phục vụ việc đánh giá tác động môi trường của dự án; trường hợp không có phòng thí nghiệm, các thiết bị kiểm chuẩn đáp ứng yêu cầu, phải có hợp đồng thuê đơn vị có đủ năng lực.

2. Cán bộ thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có trình độ đại học trở lên và phải có chứng chỉ tư vấn đánh giá tác động môi trường đúng chuyên ngành.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý việc đào tạo, cấp chứng chỉ tư vấn đánh giá tác động môi trường.

Điều 14. Thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Thẩm quyền tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án quy định tại Phụ lục III Nghị định này, trừ các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh;

b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt đầu tư của mình, trừ các dự án thuộc Phụ lục III Nghị định này;

c) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh và các dự án thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt đầu tư của mình, trừ các dự án thuộc Phụ lục III Nghị định này;

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn của mình, trừ các dự án quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này.

2. Thời hạn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định như sau:

a) Không quá bốn mươi lăm (45) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với các dự án thuộc thẩm quyền tổ chức thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với các dự án không thuộc Điểm a Khoản này;

c) Trong thời hạn quy định tại các Điểm a, b Khoản này, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ dự án về kết quả thẩm định. Thời gian chủ dự án hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường theo yêu cầu của cơ quan thẩm định không tính vào thời gian thẩm định.

3. Việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện thông qua hội đồng thẩm định do Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm định (sau đây gọi tắt là cơ quan thẩm định) báo cáo đánh giá tác động môi trường thành lập với ít nhất bảy (07) thành viên.

Cơ cấu hội đồng thẩm định gồm Chủ tịch hội đồng, một (01) Phó Chủ tịch hội đồng trong trường hợp cần thiết, một (01) Ủy viên thư ký, hai (02) Ủy viên phản biện và một số Ủy viên, trong đó phải có ít nhất ba mươi phần trăm (30%) số thành viên hội đồng có từ bảy (07) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đánh giá tác động môi trường.

4. Hội đồng thẩm định có trách nhiệm xem xét nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và đưa ra ý kiến thẩm định để làm cơ sở cho cơ quan thẩm định xem xét, quyết định việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn hoạt động của hội đồng thẩm định.

5. Việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án để kịp thời ứng phó với thiên tai, dịch bệnh có thể được thực hiện thông qua hình thức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, không nhất thiết phải thông qua hội đồng thẩm định.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho ban quản lý các khu công nghiệp trên cơ sở xem xét đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và đánh giá năng lực của từng ban quản lý các khu công nghiệp; hướng dẫn chi tiết biểu mẫu các văn bản liên quan đến việc thẩm định, phê duyệt, xác nhận báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Điều 15. Lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng trong quá trình triển khai thực hiện có một trong những thay đổi dưới đây phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường:

a) Có những thay đổi quy định tại các Điểm a, b Khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường;

b) Bổ sung những hạng mục đầu tư có quy mô, công suất tương đương với đối tượng thuộc danh mục Phụ lục II Nghị định này;

c) Có thay đổi về quy mô, công suất, công nghệ hoặc những thay đổi khác dẫn đến các công trình bảo vệ môi trường không có khả năng giải quyết được các vấn đề môi trường gia tăng;

d) Theo đề nghị của chủ dự án.

2. Chủ dự án chỉ được thực hiện những thay đổi nêu tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt lại báo cáo đánh giá tác động môi trường.

3. Việc lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm định và phê duyệt lại báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện theo quy định tại các Điều 12, Điều 13 và Điều 14 Nghị định này.

Điều 16. Trách nhiệm của chủ dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt

1. Trong trường hợp cần thiết, điều chỉnh nội dung dự án đầu tư để bảo đảm các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2. Lập kế hoạch quản lý môi trường của dự án trên cơ sở chương trình quản lý và giám sát môi trường đã đề xuất trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tham vấn ý kiến trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu quy định tại các Điều 26 và Điều 27 Luật Bảo vệ môi trường.

4. Thông báo bằng văn bản đến các tổ chức nơi tiến hành tham vấn, cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường về kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) trước khi tiến hành vận hành thử nghiệm ít nhất mười (10) ngày làm việc. Thời gian vận hành thử nghiệm không quá sáu (06) tháng; việc kéo dài thời gian vận hành thử nghiệm phải được sự chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

5. Lập, phê duyệt và thực hiện kế hoạch thu dọn vệ sinh lòng hồ trước khi tích nước trong trường hợp dự án có nội dung đầu tư xây dựng hồ chứa thủy lợi hoặc hồ chứa thủy điện; thực hiện việc tích nước sau khi được cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, chấp thuận bằng văn bản.

6. Đối với các trường hợp quy định tại cột 4 Phụ lục II Nghị định này, chủ dự án phải báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án trên cơ sở báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và các văn bản đề nghị điều chỉnh đã được chấp thuận (nếu có) gửi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để kiểm tra, xác nhận hoàn thành trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức. Đối với dự án đầu tư có nhiều giai đoạn, việc báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án được thực hiện theo từng giai đoạn của dự án.

7. Báo cáo bằng văn bản và chỉ được thực hiện những thay đổi liên quan đến phạm vi, quy mô, công suất, công nghệ sản xuất, các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của dự án sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Điều 17. Kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án

1. Việc kiểm tra các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án được tiến hành thông qua đoàn kiểm tra do thủ trưởng cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cơ quan được ủy quyền thành lập.

2. Thời hạn cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường quy định như sau:

a) Không quá mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án trong trường hợp không cần tiến hành lấy mẫu, phân tích các chỉ tiêu môi trường để kiểm chứng;

b) Không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án trong trường hợp phải lấy mẫu, phân tích các chỉ tiêu môi trường để kiểm chứng.

3. Trong thời hạn được nêu tại các Khoản 2 Điều này, cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cơ quan được ủy quyền có trách nhiệm cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, phục vụ giai đoạn vận hành dự án; trường hợp chưa cấp phải có ý kiến bằng văn bản nêu rõ lý do.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường; tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm tra; biểu mẫu các văn bản liên quan đến hoạt động kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Chương V

KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 18. Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường

1. Đối tượng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường quy định như sau:

a) Dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng quy mô, nâng công suất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục II Nghị định này;

b) Phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; phương án đầu tư mở rộng quy mô, nâng công suất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều này, đồng thời không thuộc Phụ lục II Nghị định này.

2. Chủ dự án, chủ cơ sở của đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định này.

3. Trường hợp dự án, phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm trên địa bàn từ hai (02) tỉnh trở lên, việc đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường được thực hiện tại một trong các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo đề nghị của chủ dự án, chủ cơ sở.

4. Đối tượng quy định tại Phụ lục IV Nghị định này không phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

Điều 19. Xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường

1. Trách nhiệm xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường quy định như sau:

a) Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 32 Luật Bảo vệ môi trường;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định này, trừ các đối tượng quy định tại Điểm a Khoản này;

c) Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đối với phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình được Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền bằng văn bản;

d) Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thực hiện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, phương án đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trong trường hợp được cơ quan có thẩm quyền ủy quyền.

2. Thời hạn xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường quy định tai Khoản 3 Điều 32 Luật Bảo vệ môi trường.

3. Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định này chỉ được triển khai thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.

4. Trách nhiệm của chủ dự án, chủ cơ sở và cơ quan nhà nước sau khi kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận quy định tại các Điều 33 và Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết biểu mẫu của hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và việc ủy quyền xác nhận cho ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Chế độ tài chính đối với công tác quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường

1. Chi phí xây dựng, thẩm định và công bố quy hoạch bảo vệ môi trường được bảo đảm từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hoặc nguồn vốn khác nếu có.

2. Chế độ tài chính cho công tác đánh giá môi trường chiến lược quy định như sau:

a) Chi phí thực hiện đánh giá môi trường chiến lược bố trí trong kinh phí xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được bảo đảm từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế hoặc nguồn vốn khác nếu có;

b) Chi phí cho hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được bảo đảm từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.

3. Chế độ tài chính cho hoạt động đánh giá tác động môi trường quy định như sau:

a) Chi phí thực hiện đánh giá tác động môi trường bố trí từ nguồn vốn đầu tư dự án;

b) Chi phí cho hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường bố trí từ nguồn thu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;

c) Chi phí cho hoạt động kiểm tra các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.

4. Chế độ tài chính cho việc lập và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường quy định như sau:

a) Chi phí lập kế hoạch bảo vệ môi trường bố trí từ nguồn vốn đầu tư dự án, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ;

b) Chi phí cho hoạt động xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.

5. Chế độ tài chính cho việc lập, thẩm định, phê duyệt và kiểm tra hoàn thành đề án bảo vệ môi trường chi tiết; lập và kiểm tra việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường đơn giản quy định như sau:

a) Chi phí lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết và đề án bảo vệ môi trường đơn giản bố trí từ nguồn vốn của chủ dự án, chủ cơ sở;

b) Chủ dự án, chủ cơ sở chưa nộp phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường phải nộp chi phí để thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết tương đương mức phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho cơ quan trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết; chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí thẩm định đề án bảo vệ môi trường chi tiết được thực hiện như đối với phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;

c) Chi phí cho hoạt động kiểm tra việc hoàn thành đề án bảo vệ môi trường chi tiết được bảo đảm từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.

6. Trách nhiệm hướng dẫn:

a) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các Khoản 1, Khoản 2, các Điểm b và Điểm c Khoản 3, Điểm b Khoản 4, các Điểm b và Điểm c Khoản 5 Điều này;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Điểm a Khoản 3 và Điểm a Khoản 4 Điều này đối với dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Điều 21. Chế độ báo cáo

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 01 tháng 01 hàng năm gửi báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về hoạt động đăng ký và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường của năm trước đó trên địa bàn mình quản lý.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 15 tháng 01 hàng năm gửi báo cáo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường về hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; hoạt động thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; hoạt động đăng ký và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường chi tiết; hoạt động kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường của năm trước đó trên địa bàn mình quản lý.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trước ngày 15 tháng 01 hàng năm gửi báo cáo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường về hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; hoạt động thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; hoạt động kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường của năm trước đó đối với các dự án thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về nội dung, hình thức các loại báo cáo quy định tại các Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Điều khoản chuyển tiếp

1. Hồ sơ báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; báo cáo đánh giá tác động môi trường; báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường; đề án bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận.

2. Đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào vận hành chính thức nhưng không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì trong thời hạn tối đa là ba mươi sáu (36) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải thực hiện một trong hai biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm sau đây:

a) Lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết đối với các cơ sở có quy mô, tính chất tương đương với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại Nghị định này gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định này để tổ chức thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết;

b) Lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản đối với các cơ sở có quy mô, tính chất tương đương với đối tượng phải đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định này gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 19 để đăng ký.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết và việc lập, đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản.

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2015.

2. Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và Nghị định số 35/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Điều 24. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC I

DANH MỤC CÁC ĐỐI TƯỢNG PHẢI THỰC HIỆN ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC
(Ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ)

1

Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của các vùng kinh tế – xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế, vành đai kinh tế

2

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt

3

Chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia phát triển hệ thống các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp

4

Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến môi trường

4.1

Chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực cấp quốc gia

4.1.1

Chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực cấp quốc gia về công nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, du lịch, y tế

4.1.2

Chiến lược, quy hoạch phát triển ngành điện, thủy điện, nhiệt điện, năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân; khai thác dầu khí, lọc hóa dầu; giấy; công nghiệp hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; cao su; dệt may; xi măng; thép; thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản

4.1.3

Chiến lược, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, chăn nuôi

4.1.4

Chiến lược, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông, cảng, hàng không

4.1.5

Chiến lược, quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị; quy hoạch vật liệu xây dựng

4.1.6

Chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch, sân golf

4.1.7

Chiến lược, quy hoạch phát triển mạng lưới khám chữa bệnh

4.2

Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực liên tỉnh, vùng

4.2.1

Quy hoạch phát triển thủy sản

4.2.2

Quy hoạch phát triển thủy lợi

4.2.3

Quy hoạch phát triển thủy điện

4.2.4

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải

4.2.5

Quy hoạch chung các đô thị

4.2.6

Quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản

4.2.7

Quy hoạch sử dụng đất

4.2.8

Quy hoạch sử dụng tài nguyên, môi trường biển

5

Điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch

5.1

Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc các mục 1, 2, 3 và 4 Phụ lục này chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược trước thời điểm điều chỉnh

5.2

Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc các mục 1, 2, 3 và 4 Phụ lục này tiềm ẩn tác động xấu đến môi trường do thực hiện phương án điều chỉnh

6

Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khác theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

 

PHỤ LỤC II

DANH MỤC DỰ ÁN PHẢI THỰC HIỆN ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ)

TT

Dự án

Quy mô

Đối tượng phải báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường

(1)

(2)

(3)

(4)

1.

Các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Tất cả Xác định theo các dự án cụ thể của Danh mục này

2.

Dự án có sử dụng đất của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển; dự án có sử dụng đất của khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp quốc gia; Tất cả Xác định theo các dự án cụ thể của Danh mục này
Dự án làm mất rừng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa Từ 5 ha trở lên đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;

Từ 10 ha trở lên đối với rừng tự nhiên;

Từ 50 ha trở lên đối với các loại rừng khác;

Từ 5 ha trở lên đối với đất trồng lúa chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp.

Nhóm các dự án về xây dựng

3.

Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, các khu dân cư Có diện tích từ 5 ha trở lên Không

4.

Dự án xây dựng mới hoặc cải tạo hệ thống thoát nước đô thị, thoát nước khu dân cư; nạo vét kênh mương, lòng sông, hồ Có chiều dài công trình từ 10 km trở lên đối với dự án xây dựng mới hoặc cải tạo hệ thống thoát nước đô thị, thoát nước khu dân cư;

Có diện tích khu vực nạo vét từ 5 ha đối với các dự án nạo vét kênh mương, lòng sông, hồ hoặc có tổng khối lượng nạo vét từ 50.000 m³ trở lên

Không

5.

Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu thương mại, làng nghề và các khu sản xuất kinh doanh tập trung khác Tất cả Tất cả

6.

Dự án xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại Có diện tích sàn từ 10.000 m2 trở lên Không

7.

Dự án xây dựng chợ hạng 1, 2 trên địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn Tất cả Không

8.

Dự án xây dựng cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở y tế khác Từ 50 giường trở lên Tất cả

9.

Dự án xây dựng cơ sở lưu trú du lịch, khu dân cư Cơ sở lưu trú du lịch từ 50 phòng trở lên;

Khu dân cư cho 500 người sử dụng hoặc 100 hộ trở lên

Không

10.

Dự án xây dựng khu du lịch; khu thể thao, vui chơi giải trí, sân golf Có diện tích từ 10 ha trở lên Không

11.

Dự án xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng Có diện tích từ 20 ha trở lên đối với nghĩa trang;

Tất cả đối với hỏa táng

Không

12.

Dự án xây dựng trung tâm huấn luyện quân sự, trường bắn, cảng quốc phòng, kho tàng quân sự, khu kinh tế quốc phòng Tất cả Không

13.

Dự án xây dựng có lấn biển Có chiều dài đường bao ven biển từ 1.000 m trở lên hoặc diện tích lấn biển từ 5 ha trở lên Không

Nhóm các dự án sản xuất vật liệu xây dựng

14.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất xi măng, sản xuất clinke Tất cả các dự án xây dựng cơ sở sản xuất xi măng;

Sản xuất clinke công suất từ 100.000 tấn clinke/năm trở lên

Tất cả

15.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất gạch, ngói, tấm lợp fibro xi măng Công suất từ 100 triệu viên gạch, ngói quy chuẩn/năm trở lên hoặc 500.000 m2 tấm lợp fibro xi măng/năm trở lên Tất cả

16.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất gạch ốp lát các loại Công suất từ 500.000 m2/năm trở lên Tất cả

17.

Dự án cơ sở sản xuất nguyên vật liệu xây dựng khác Công suất từ 50.000 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

18.

Dự án sản xuất bê tông nhựa nóng, bê tông thương phẩm và các loại Công suất từ 100 tấn sản phẩm/ngày trở lên Không

Nhóm các dự án về giao thông

19.

Dự án xây dựng công trình giao thông ngầm, cáp treo Tất cả đối với công trình giao thông ngầm; cáp treo có chiều dài từ 500 m trở lên Không

20.

Dự án xây dựng đường ôtô cao tốc, đường ôtô từ cấp I đến cấp III, đường cấp IV miền núi; đường sắt, đường sắt trên cao Tất cả đối với đường ôtô cao tốc, đường ôtô từ cấp I đến cấp III; đường sắt, đường sắt trên cao;

Từ 50 km trở lên đối với đường cấp IV miền núi

Không

21.

Dự án xây dựng cảng hàng không, sân bay (đường cất hạ cánh, nhà ga hàng hóa, nhà ga hành khách) Tất cả đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách;

Nhà ga hàng hóa có công suất từ 200.000 tấn hàng hóa/năm trở lên

Không

22.

Dự án xây dựng cầu đường bộ, cầu đường sắt Chiều dài từ 500 m trở lên (không kể đường dẫn) Không

23.

Dự án xây dựng cảng sông, cảng biển; khu neo đậu tránh trú bão; dự án nạo vét luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa Cảng sông, cảng biển tiếp nhận tàu trọng tải từ 1.000 DWT trở lên;

Khu neo đậu tránh trú bão tiếp nhận tàu trọng tải từ 1.000 DWT trở lên;

Nạo vét với khối lượng từ 50.000 m³/năm trở lên

Không

24.

Dự án xây dựng bến xe khách, nhà ga đường sắt Diện tích sử dụng đất từ 5 ha trở lên Không

Nhóm các dự án về điện tử, năng lượng, phóng xạ

25.

Dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân; dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhà máy nhiệt điện Tất cả Tất cả

26.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng chất phóng xạ hoặc phát sinh chất thải phóng xạ Tất cả các trường hợp có phát sinh chất thải phóng xạ trên ngưỡng miễn trừ cho phép Không

27.

Dự án xây dựng nhà máy phong điện, quang điện, thủy điện Trên diện tích từ 100 ha trở lên đối với nhà máy phong điện, quang điện;

Có dung tích hồ chứa từ 100.000 m³ nước trở lên hoặc công suất từ 10 MW trở lên đối với nhà máy thủy điện

Không

28.

Dự án xây dựng tuyến đường dây tải điện; trạm điện Tuyến đường dây tải điện từ 110 kV trở lên;

Trạm điện công suất 500 kV

Không

29.

Dự án sản xuất, gia công các thiết bị điện, điện tử và các linh kiện điện tử Công suất từ 500.000 sản phẩm/năm trở lên đối với thiết bị điện tử, linh kiện điện, điện tử;

Công suất từ 500 tấn sản phẩm/năm trở lên đối với thiết bị điện

Tất cả các dự án có công đoạn xi mạ

Nhóm các dự án liên quan đến thủy lợi, khai thác rừng, trồng trọt

30.

Dự án xây dựng công trình hồ chứa nước Dung tích hồ chứa từ 100.000 m³ nước trở lên Không

31.

Dự án xây dựng công trình tưới, cấp nước, tiêu thoát nước phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp Tưới, tiêu thoát nước, cấp nước cho diện tích từ 500 ha trở lên Không

32.

Dự án đê, kè bờ sông, bờ biển Có chiều dài từ 1.000 m trở lên Không

33.

Dự án khai thác rừng Khai thác rừng diện tích từ 200 ha trở lên đối với rừng trồng là rừng sản xuất áp dụng phương thức chặt trắng, có lô thiết kế khai thác diện tích tập trung;

Khai thác rừng tự nhiên từ 50 ha trở lên là rừng sản xuất áp dụng phương thức chặt trắng với diện tích tập trung

Không

34.

Dự án vùng trồng cây công nghiệp; vùng trồng cây thức ăn gia súc; vùng trồng cây dược liệu; vùng trồng rau, hoa tập trung Diện tích từ 50 ha trở lên Không

Nhóm các dự án về thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản

35.

Dự án khai thác cát, sỏi, vật liệu san lấp mặt bằng Khai thác cát, sỏi quy mô từ 50.000 m³ vật liệu nguyên khai/năm trở lên;

Khai thác vật liệu san lấp mặt bằng quy mô từ 100.000 m³ vật liệu nguyên khai/năm trở lên

Không

36.

Dự án khai thác khoáng sản rắn (không sử dụng hóa chất chất độc hại, vật liệu nổ công nghiệp) Có khối lượng mỏ (khoáng sản, đất đá thải) từ 50.000 m³ nguyên khai/năm trở lên;

Có tổng khối lượng mỏ (khoáng sản, đất đá thải) từ 1.000.000 m³ nguyên khối trở lên

Tất cả

37.

Dự án thăm dò đất hiếm, khoáng sản có tính phóng xạ; dự án khai thác, chế biến khoáng sản rắn có sử dụng hóa chất độc hại hoặc vật liệu nổ công nghiệp; dự án chế biến, tinh chế kim loại màu, kim loại phóng xạ, đất hiếm Tất cả Tất cả, trừ các dự án thăm dò

38.

Dự án chế biến khoáng sản rắn không sử dụng hóa chất độc hại Công suất từ 50.000 m³ sản phẩm/năm trở lên;

Có tổng lượng đất đá thải ra từ 500.000 m³/năm trở lên

Tất cả

39.

Dự án khai thác nước cấp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt Công suất khai thác từ 3.000 m³ nước/ngày đêm trở lên đối với nước dưới đất;

Công suất khai thác từ 50.000 m³ nước/ngày đêm trở lên đối với nước mặt

Không

40.

Dự án khai thác nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên (dưới đất hoặc lộ ra trên mặt đất) Công suất khai thác từ 200 m³ nước/ngày đêm trở lên đối với nước sử dụng để đóng chai;

Công suất khai thác từ 500 m³ nước/ngày đêm trở lên đối với nước sử dụng cho mục đích khác

Không

41.

Dự án tuyển, làm giàu đất hiếm, khoáng sản có tính phóng xạ Công suất từ 500 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

Nhóm các dự án về dầu khí

42.

Dự án khai thác dầu, khí Tất cả Tất cả

43.

Dự án xây dựng nhà máy lọc hóa dầu (trừ các dự án chiết nạp LPG, pha chế dầu nhờn), sản xuất sản phẩm hóa dầu, dung dịch khoan, hóa phẩm dầu khí; dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu, khí; dự án xây dựng khu trung chuyển dầu, khí Tất cả các dự án xây dựng nhà máy lọc hóa dầu (trừ các dự án chiết nạp LPG, pha chế dầu nhờn), cơ sở sản xuất sản phẩm hóa dầu, dung dịch khoan, hóa phẩm dầu khí có công suất từ 500 tấn sản phẩm/năm trở lên; tuyến đường ống dẫn dầu, khí có chiều dài từ 20 km trở lên;

Tất cả các dự án xây dựng khu trung chuyển dầu, khí

Tất cả các dự án xây dựng nhà máy lọc hóa dầu, sản xuất sản phẩm hóa dầu (trừ các dự án chiết nạp LPG, pha chế dầu nhờn)

44.

Dự án xây dựng kho xăng dầu, cửa hàng kinh doanh xăng dầu Có dung tích chứa từ 200 m³ trở lên Không

Nhóm các dự án về xử lý, tái chế chất thải

45.

Dự án xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại Tất cả đối với chất thải nguy hại;

Công suất từ 10 tấn/ngày trở lên đối với chất thải rắn thông thường

Thực hiện theo quy định về quản lý chất thải và phế liệu

46.

Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải đô thị tập trung hoặc nước thải công nghiệp tập trung Tất cả Không

Nhóm các dự án về cơ khí, luyện kim

47.

Dự án xây dựng nhà máy luyện kim Tất cả đối với dự án có sử dụng nguyên liệu là phế liệu;

Công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên đối với dự án sử dụng nguyên liệu khác

Tất cả

48.

Dự án xây dựng cơ sở cán, kéo kim loại Công suất từ 2.000 tấn sản phẩm/năm trở lên Không

49.

Dự án xây dựng cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thủy Cho tàu có trọng tải từ 1.000 DWT trở lên Tất cả

50.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất, sửa chữa, công-ten-nơ, rơ móc Có năng lực sản xuất từ 500 công-ten-nơ, rơ móc/năm trở lên;

Có năng lực sửa chữa từ 2.500 công-ten-nơ, rơ móc/năm trở lên

Không

51.

Dự án xây dựng cơ sở đóng mới, sửa chữa, lắp ráp đầu máy, toa xe Tất cả Không

52.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất, sửa chữa, lắp ráp xe máy, ô tô Công suất từ 5.000 xe máy/năm trở lên;

Công suất từ 500 ô tô/năm trở lên

Tất cả các dự án có công đoạn xi mạ

53.

Dự án xây dựng cơ sở chế tạo máy móc, thiết bị công cụ Công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên Không

54.

Dự án xây dựng cơ sở mạ, phun phủ và đánh bóng kim loại Công suất từ 500 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

55.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất nhôm, thép định hình Công suất từ 2.000 tấn sản phẩm/năm trở lên Không

56.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài, trang thiết bị kỹ thuật quân sự Tất cả Tất cả

Nhóm các dự án chế biến gỗ, sản xuất thủy tinh, gốm sứ

57.

Dự án xây dựng cơ sở chế biến gỗ, dăm gỗ từ gỗ tự nhiên Công suất từ 3.000 m³ sản phẩm/năm trở lên Không

58.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất ván ép Công suất từ 100.000 m2/năm trở lên Tất cả

59.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất đồ gỗ Có tổng diện tích kho, bãi, nhà xưởng từ 10.000 m2 trở lên Không

60.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất thủy tinh, gốm sứ Công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm hoặc 10.000 sản phẩm/năm trở lên Tất cả

61.

Dự án xây dựng nhà máy sản xuất bóng đèn, phích nước Công suất từ 1.000.000 sản phẩm/năm trở lên Tất cả

Nhóm các dự án sản xuất, chế biến thực phẩm

62.

Dự án xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến lương thực, thực phẩm Công suất từ 500 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

63.

Dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung Công suất từ 200 gia súc/ngày trở lên; 3.000 gia cầm/ngày trở lên Tất cả

64.

Dự án xây dựng cơ sở chế biến thủy sản, bột cá, các phụ phẩm thủy sản Công suất từ 100 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

65.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất đường Công suất từ 10.000 tấn đường/năm trở lên Tất cả

66.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất cồn, rượu Công suất từ 500.000 lít sản phẩm/năm trở lên Tất cả

67.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất bia, nước giải khát Công suất từ 10.000.000 lít sản phẩm/năm trở lên Tất cả các dự án xây dựng cơ sở sản xuất bia

68.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất bột ngọt Công suất từ 5.000 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

69.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến sữa Công suất từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

70.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến dầu ăn Công suất từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

71.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất bánh, kẹo Công suất từ 5.000 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

72.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất nước lọc, nước tinh khiết đóng chai Công suất từ 2.000 m³ nước/năm trở lên Không

Nhóm các dự án chế biến nông sản

73.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất thuốc lá điếu, cơ sở chế biến nguyên liệu thuốc lá Công suất từ 100.000.000 điếu/năm trở lên;

Công suất từ 1.000 tấn nguyên liệu/năm trở lên

Tất cả đối với dự án xây dựng cơ sở sản xuất thuốc lá điếu

74.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến nông, sản, tinh bột các loại Công suất từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên đối với công nghệ sản xuất, chế biến khô;

Công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên đối với công nghệ sản xuất, chế biến ướt

Tất cả

75.

Dự án xây dựng cơ sở chế biến chè, hạt điều, ca cao, cà phê, hạt tiêu Công suất từ 5.000 tấn sản phẩm/năm trở lên đối với công nghệ chế biến khô;

Công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên đối với công nghệ chế biến ướt

Tất cả các dự án sử dụng công nghệ chế biến ướt có công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

Nhóm các dự án chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi

76.

Dự án xây dựng cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi Công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

77.

Dự án xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản Diện tích mặt nước từ 10 ha trở lên, riêng các dự án nuôi quảng canh từ 50 ha trở lên Không

78.

Dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; chăn nuôi, chăm sóc động vật hoang dã tập trung Có quy mô chuồng trại từ 1.000 m2 trở lên đối với gia súc, gia cầm;

Có quy mô chuồng trại từ 500 m2 trở lên đối với động vật hoang dã

Tất cả các dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô chuồng trại từ 1.000 m2 trở lên

Nhóm dự án sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

79.

Dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân hóa học Công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

80.

Dự án xây dựng kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón Kho từ 500 tấn trở lên đối với thuốc bảo vệ thực vật, 5.000 tấn đối với phân bón Không

81.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật Tất cả Tất cả

82.

Dự án xây dựng cơ sở sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật Công suất từ 300 tấn sản phẩm/năm trở lên Không

83.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất phân hữu cơ, phân vi sinh Công suất từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

Nhóm các dự án về hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm, nhựa, chất dẻo

84.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất dược phẩm, thuốc thú y; dự án sản xuất nguyên liệu làm thuốc (bao gồm cả nguyên liệu hóa dược và tá dược) Tất cả đối với sản xuất vắc xin;

Công suất từ 50 tấn sản phẩm/năm trở lên đối với thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc (bao gồm cả nguyên liệu hóa dược và tá dược) và dược phẩm khác

Tất cả

85.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất hóa mỹ phẩm Công suất từ 50 tấn sản phẩm/năm trở lên Không

86.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất hóa chất, chất dẻo, các sản phẩm từ chất dẻo, sơn Công suất từ 100 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

87.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất các sản phẩm nhựa, hạt nhựa Công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

88.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất chất tẩy rửa, phụ gia Công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

89.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất thuốc phóng, thuốc nổ, hỏa cụ Tất cả Tất cả

90.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất thuốc nổ công nghiệp; kho chứa thuốc nổ cố định; kho chứa hóa chất Tất cả đối với cơ sở sản xuất thuốc nổ công nghiệp, kho chứa thuốc nổ cố định từ 5 tấn trở lên;

Từ 500 tấn trở lên đối với kho chứa hóa chất

Tất cả

91.

Dự án xây dựng vùng sản xuất muối từ nước biển Diện tích từ 100 ha trở lên Không

Nhóm các dự án sản xuất giấy và văn phòng phẩm

92.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất bột giấy và giấy từ nguyên liệu thô Công suất từ 300 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

93.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất giấy, bao bì cát tông từ bột giấy hoặc phế liệu Công suất từ 5.000 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

94.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất văn phòng phẩm Công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

Nhóm các dự án về dệt nhuộm và may mặc

95.

Dự án xây dựng cơ sở nhuộm, dệt có nhuộm Tất cả Tất cả

96.

Dự án xây dựng cơ sở dệt không nhuộm Công suất từ 10.000.000 m2 vải/năm trở lên Không

97.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất và gia công các sản phẩm dệt, may Công suất từ 50.000 sản phẩm/năm trở lên nếu có công đoạn giặt tẩy;

Công suất từ 2.000.000 sản phẩm/năm trở lên nếu không có công đoạn giặt tẩy

Tất cả các dự án có công đoạn giặt tẩy

98.

Dự án xây dựng cơ sở giặt là công nghiệp Công suất từ 50,000 sản phẩm/năm trở lên Tất cả

99.

Dự án sản xuất sợi tơ tằm, sợi bông, sợi nhân tạo Công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

Nhóm các dự án khác

100.

Dự án xây dựng cơ sở phá dỡ tàu cũ, vệ sinh súc rửa tàu Tất cả Tất cả

101.

Dự án xây dựng cơ sở chế biến cao su, mủ cao su Công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

102.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất các sản phẩm trang thiết bị y tế từ nhựa và cao su y tế Công suất từ 100.000 sản phẩm/năm trở lên Tất cả

103.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất giầy dép Công suất từ 1.000.000 đôi/năm trở lên Không

104.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất săm lốp cao su các loại Công suất từ 50.000 sản phẩm/năm trở lên đối với sản xuất săm lốp cao su ô tô, máy kéo; từ 100.000 sản phẩm/năm trở lên đối với xe đạp, xe máy Tất cả

105.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất mực in, vật liệu ngành in khác Công suất từ 500 tấn mực in và từ 1.000 sản phẩm/năm trở lên đối với các vật liệu ngành in khác Tất cả

106.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất ắc quy, pin Công suất từ 50.000 KWh/năm trở lên hoặc từ 100 tấn sản phẩm/năm trở lên Tất cả

107.

Dự án xây dựng cơ sở thuộc da Tất cả Tất cả

108.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất gas CO2 chiết nạp hóa lỏng, khí công nghiệp Công suất từ 3.000 tấn sản phẩm/năm trở lên Không

109.

Dự án di dân tái định cư Từ 300 hộ trở lên Không

110.

Dự án bãi tập kết nguyên nhiên vật liệu, phế liệu Từ 1 ha trở lên Tất cả

111.

Dự án không thuộc danh mục từ 1 đến 110 có tổng lượng nước thải công nghiệp từ 500 m³/ngày đêm trở lên hoặc từ 200.000 m³ khí thải/giờ hoặc 5 tấn chất thải rắn/ngày đêm trở lên Tất cả Tất cả

112.

Dự án cải tạo, mở rộng, nâng cấp, nâng công suất Có quy mô, công suất tới mức tương đương với dự án thứ tự từ 1 đến 110 Xác định theo dự án cụ thể của Danh mục này

113.

Dự án có hạng mục với quy mô tương đương hoặc tính chất tương tự các dự án thứ tự từ 1 đến 110 của Phụ lục này Tất cả Xác định theo dự án cụ thể của Danh mục này

 

PHỤ LỤC III

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN THUỘC TRÁCH NHIỆM THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ)

1. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

2. Dự án có sử dụng đất của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; dự án có sử dụng từ 1 ha đất trở lên của khu di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia; từ 5 ha của khu di sản thế giới hoặc khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp quốc gia; từ 10 ha đất trở lên của khu dự trữ sinh quyển.

3. Dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử, nhà máy điện nhiệt hạch, lò phản ứng hạt nhân; dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất từ 600 MW trở lên; dự án xây dựng nhà máy thủy điện, công trình thủy lợi có dung tích hồ chứa từ 100.000.000 m³ nước trở lên.

4. Dự án có lấn biển từ 20 ha trở lên; dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên, đất rừng tự nhiên từ 100 ha trở lên; dự án có sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên.

5. Dự án xây dựng nhà máy lọc, hóa dầu; dự án xây dựng cơ sở sản xuất hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy rửa, phụ gia, phân hóa học, chế biến mủ cao su có công suất từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên; dự án nhà máy sản xuất xi măng công suất từ 1.200.000 tấn xi măng/năm trở lên; dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải phóng xạ; dự án xây dựng cơ sở sản xuất ắc quy có công suất từ 300.000 KWh/năm trở lên hoặc 600 tấn sản phẩm/năm trở lên; dự án xây dựng cơ sở sản xuất bột giấy công suất từ 25.000 tấn sản phẩm/năm trở lên; dự án xây dựng cơ sở sản xuất dầu ăn, bột ngọt, đường, chế biến sữa có công suất từ 50.000 tấn sản phẩm/năm trở lên; dự án xây dựng cơ sở sản xuất bia, nước giải khát có công suất từ 30.000.000 lít sản phẩm/năm trở lên; dự án xây dựng nhà máy sản xuất cồn, rượu có công suất từ 2.000.000 lít sản phẩm/năm trở lên; dự án xây dựng cơ sở dệt có nhuộm công suất từ 100.000.000 m2 vải/năm trở lên; dự án xây dựng cơ sở chế biến thủy sản công suất từ 5.000 tấn sản phẩm/năm trở lên.

6. Dự án khai thác dầu khí; dự án khai thác khoáng sản rắn, cát, sỏi, vật liệu san lấp có quy mô từ 500.000 m³ nguyên khai/năm (bao gồm khoáng sản, đất đá thải) trở lên; dự án nạo vét luồng đường thủy, luồng hàng hải, khu neo đậu tàu có quy mô từ 500.000 m³/năm trở lên hoặc tổng lượng vật liệu nạo vét từ 10.000.000 m³ trở lên; dự án khai thác khoáng sản có diện tích khu vực khai thác từ 50 ha trở lên hoặc tổng khối lượng mỏ (bao gồm khoáng sản, đất đá thải) từ 10.000.000 m³ trở lên; dự án khai thác đất hiếm, quặng phóng xạ hoặc quặng có chứa phóng xạ vượt quá mức miễn trừ theo quy định của pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ; dự án tuyển, làm giàu đất hiếm, khoáng sản có tính phóng xạ có quy mô công suất từ 50.000 tấn sản phẩm/năm trở lên; dự án chế biến, tinh chế đất hiếm, kim loại màu, khoáng sản có tính phóng xạ có quy mô từ 100.000 tấn quặng tinh/năm trở lên; dự án khai thác khoáng sản, khai thác nước thuộc thẩm quyền cấp phép khai thác của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

7. Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, khu đô thị có diện tích từ 200 ha trở lên; dự án xây dựng cảng, khu neo đậu cho tàu có trọng tải từ 50.000 DWT; dự án xây dựng cơ sở luyện gang, thép công suất từ 200.000 tấn sản phẩm/năm trở lên.

8. Dự án xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn thông thường công suất từ 250 tấn/ngày đêm trở lên; dự án tái chế, xử lý chất thải nguy hại; dự án xây dựng cơ sở khám chữa bệnh quy mô từ 500 giường bệnh trở lên (trừ trường hợp do Bộ Y tế cấp quyết định phê duyệt dự án đầu tư); dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất từ 5.000 m³/ngày đêm trở lên đối với nước thải công nghiệp, từ 50.000 m³/ngày đêm trở lên đối với nước thải sinh hoạt.

9. Dự án mở rộng, nâng cấp, nâng công suất các cơ sở sản xuất, kinh doanh tới mức tương đương với dự án thứ tự từ 1 đến 8 của Phụ lục này.

10. Dự án có từ một hạng mục trở lên trong số các dự án thứ tự từ 1 đến 9 của Phụ lục này.

11. Các dự án thuộc Phụ lục II nằm trên địa bàn 2 tỉnh trở lên hoặc nằm trên vùng biển không xác định được trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc dự án nằm trên địa bàn của 2 quốc gia trở lên./.

 

PHỤ LỤC IV

DANH MỤC CÁC ĐỐI TƯỢNG KHÔNG PHẢI ĐĂNG KÝ KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ)

1. Đào tạo nguồn nhân lực; các hoạt động tư vấn; chuyển giao công nghệ; dạy nghề, đào tạo kỹ thuật, kỹ năng quản lý; cung cấp thông tin; tiếp thị, xúc tiến đầu tư và thương mại.

2. Sản xuất, trình chiếu và phát hành chương trình truyền hình, sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình; hoạt động truyền hình; hoạt động ghi âm và xuất bản âm nhạc.

3. Dịch vụ thương mại, buôn bán lưu động, không có địa điểm cố định.

4. Dịch vụ thương mại, buôn bán các sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng, đồ gia dụng.

5. Dịch vụ ăn uống có quy mô diện tích nhà hàng phục vụ dưới 200 m2.

6. Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng đồ gia dụng quy mô cá nhân, hộ gia đình.

7. Dịch vụ photocopy, truy cập internet, trò chơi điện tử.

8. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, động vật hoang dã với quy mô chuồng trại nhỏ hơn 50 m2; nuôi trồng thủy hải sản trên quy mô diện tích nhỏ hơn 5.000 m2 mặt nước.

9. Canh tác trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô cá nhân, hộ gia đình.

10. Trồng khảo nghiệm các loài thực vật quy mô dưới 1 ha.

11. Xây dựng nhà ở cá nhân, hộ gia đình.

12. Xây dựng văn phòng làm việc, nhà nghỉ, khách sạn, lưu trú du lịch quy mô nhỏ hơn 500 m2 sàn.

Chia sẻ ngay:

Chia sẻ zalo
bannerbanner

Khởi đầu dự án của bạn ngay thôi

Liên hệ với chúng tôi

Khởi đầu dự án của bạn ngay thôi

Liên hệ với chúng tôi

Bài viết liên quan

Tới trang tin tức

Không có bài viết phù hợp

call for calltact
call for calltact