Sổ tay bão lụt 3 – Hướng dẫn xử lý nước ăn uống và phòng bệnh mùa lụt

rac-trong-mua-lu

SỔ TAY HƯỚNG DẪN XỬ LÝ NƯỚC VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TRONG MÙA BÃO LỤT

***

PHẦN III

XỬ LÝ NƯỚC ĂN UỐNG VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG SAU BÃO LỤT

Trong khi bão lụt nước có thể ngập tràn, cuốn trôi theo mọi thứ gây ô nhiễm có trên mặt đất như: chất thải từ cống rãnh, nhà tiêu, xác súc vật, chuồng gia súc, gia cầm, gia cầm, hóa chất, cây cối… làm nước và môi trường bị ô nhiễm. Vì vậy ngay khi nước rút, cần thực hiện các biện pháp xử lý nước và môi trường để tránh ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khoẻ, thực hiện nguyện tắc “nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó”. Ngành Y tế cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để vận động, hướng dẫn nhân dân dọn vệ sinh kết hợp với xử lý nước và vệ sinh môi trường.

Xử lý các giếng nước để ăn, uống và sinh hoạt mùa bão lụt

Xử lý nước giếng khơi mùa bão lụt:

Dù đã dùng nilông và nắp bịt miệng giếng, nước trong giếng vẫn bị ô nhiễm rất nặng vì nắp và nilông chỉ ngăn rác, cặn vào giếng chứ không ngăn được nước bẩn vào giếng. Quá trình xử lý nước được tiến hành theo 3 bước sau đây:

Bước 1. Thau rửa giếng nước:

  • Khơi thông tất cả các vũng nước xung quanh khu vực giếng.
  • Tháo bỏ nắp và nilon bịt miệng giếng.
  • Trước khi làm trong và khử trùng phải tiến hành thau vét giếng. Dùng nước giếng dội lên thành cho trôi hết đất cát và rác bám trên thành giếng và sàn giếng.
  • Nếu giếng ngập lụt, nước đục:

Phải tiến hành thau vét giếng. Múc cạn nước và vét hết bùn cặn. Các vùng có điện hoặc máy nổ thì dùng máy bơm điện hút cạn nước rồi thau vét giếng. Trong trường hợp không thể thau vét được thì nên chọn một giếng khác để xử lý và dùng chung. Nếu tất cả các giếng trong khu vực đó đều không thể thau vét được thì có thể áp dụng biện pháp xử lý tạm thời: múc vài chục lít lên bể chứa rồi đánh phèn và khử trùng, dùng hết làm mẻ khác, chờ vài ngày sau mức nước giếng xuống thấp tiến hành thau rửa.

Trường hợp không có phèn chua để làm trong nước: làm một bể lọc cát tạm thời bằng một thùng, xô hay vại thể tích khoảng 20-30 lít. Đục một lỗ đường kính lem trên thành cách đáy thùng 5cm, cho một ít đá hoặc gạch vỡ lót ở đáy, đặt một mảnh bao tải gai lên trên rồi đổ cát dày khoảng 25 – 30cm. Đổ nước giếng vào cho đến khi nước chảy ra trong thì lấy để khử trùng.

  • Nếu giếng bị ngập nhưng nước lụt không tràn vào giếng và nước giếng trong:

Vẫn phải khử trùng trước khi sử dụng. Nếu điều kiện cho phép thì múc cạn và thau rửa, nếu không thì có thể tiến hành khử trùng ngay nước trong giếng để sử dụng. Một vài tuần sau tiến hành thau rửa giếng.

ve-sinh-gieng-sau-lu

Chú ý:

Các giếng đã bị ngập lụt thì nhất thiết phải thau rửa và khử trùng mới được sử dụng.

Khi có hàng loạt giếng bị ngập lụt, nhu cầu cấp nước lớn mà không đủ lực lượng xử lý nước thì ở mỗi cụm dân cư chọn một vài giếng ít bị ô nhiễm xử lý trước để lấy nước dùng ngay.

Trung tâm y tế dự phòng của các tỉnh thường xảy ra bão lụt cần chuẩn bị một máy phát điện nhỏ và một máy bơm nước để có thể mang đi xử lý một số giếng cho các cụm dân cư trong trường hợp cần thiết.

Bước 2. Làm trong nước giếng:

Dùng phèn chua (loại thường dùng là phèn nhôm) với liều lượng 50g/1m3 nước, nếu nước đục nhiều có thể cho lượng phèn tối đa tới 100g/1m3. Hoà tan hết lượng phèn cần thiết vào một gầu nước, tưới đều lên giếng nước, thả gầu chìm sâu xuống nước rồi kéo mạnh lên khoảng 10 lần rồi để 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng hết thì tiến hành khử trùng.

Bước 3. Khử trùng giếng nước:

Về nguyên tắc nước giếng sau khử trùng phải có nồng độ Clo thừa là 0,5 -1,0 mg/lít (có mùi nồng của Clo).

Tính lượng Cloramin B cần thiết cho giếng nước trên cơ sở nồng độ cần thiết là 10g/m3 (tra bảng phụ lục 1). Có thể dùng một số hoá chất khác như: Clorua vôi 20% (13g/m3), hoặc Clorua vôi 70% (4g/m3).

Múc một gầu nước, hoà lượng hoá chất nói trên vào nước, lưu ý phải khuấy cho tan hết. Tưới đều gầu nước này vào giếng. Thả gầu cho chìm sâu đến nửa cột nước rồi kéo lên kéo xuống khoảng 10 lần. Nếu không ngửi thấy mùi Clo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột hóa chất trên vào giếng và khuấy đều, cho thêm đến khi nào nước giếng có mùi Clo thì thôi. Dùng nước giếng này dội lên thành giêng đê khử trùng, sau đó để khoảng 30 phút là có thể dùng được.

Chú ý:

  • Nếu nước chưa được làm trong hoàn toàn thì thường phải cho thêm bột Cloramin B.
  • Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.
  • Nước đã khử trùng bằng Cloramin như trên vẫn phải đun sôi mới được uống.
  • Trong trường hợp không có hoá chất khử trùng, chỉ ăn uống nước đã đun sôi 10 phút trở lên và không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.

Xử lý nước giếng khoan mùa bão lụt: 

Bơm hết nước đục và bơm tiếp 15 phút nữa bỏ nước đi sau đó có thể sử dụng được, cần chú ý làm vệ sinh bơm, sàn giếng.

Xử lý môi trường bị ảnh hưởng bởi nước mùa bão lụt

  • Nước rút đến đâu các gia đình làm vệ sinh nhà cửa và huy động cộng đồng làm vệ sinh môi trường đến đó, vì nếu không làm kịp thời thì sẽ khó đẩy được phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi.
  • Khi nước rút hết, môi trường ô nhiễm nặng nề, có mùi tanh thối do xác súc vật, côn trùng, cây cối thối rữa. Cần khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác súc vật chết và tẩy uế.
  • Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ dễ làm nơi trú ẩn cho muỗi.
  • Làm vệ sinh và tu sửa nhà tiêu (nếu không hỏng nặng). Nếu nhà tiêu hỏng nặng, chọn nơi cao ráo xa nhà, xa giếng (20m) đào hố đi tạm rồi lấp đất, ngăn chặn côn trùng, súc vật tiếp xúc với phân, chờ một vài tuần sửa lại nhà tiêu.

ve-sinh-sau-lu

Xử lý xác súc vật chết như sau:

  1. Tính toán lượng xác súc vật chết: Khảo sát để ước lượng số lượng xác súc vật chết cần xử lý. 
  2. Vị trí chôn xác súc vật: tốt nhất là chôn ở ngoài đồng, xa các nguồn nước (ao, sông, hồ…) ít nhất 50m. Có thể chôn xác súc vật ở trong vườn nhưng cần lưu ý là phải cách xa các giếng nước ít nhất 30 m và phải xử lý kỹ bằng hoá chất khử trùng tẩy uế.
  3. Đào hố chôn: sao cho tất cả xác súc vật được vùi sâu dưới đất ít nhất 0,8m. Chuyển toàn bộ xác súc vật và hớt một lớp đất dày 10cm chỗ xác súc vật nằm cho vào hố chôn. Đổ 2 – 3 kg vôi bột lên trên, hoặc phun dung dịch hoá chất khử trùng, tẩy uế (Crezil, Cloramin…) nồng độ cao (có thể tới 100mg/l Cloramin B 27%) rồi lấp đất, lèn chặt. Cắm biển báo hiệu nơi chôn xác súc vật để tránh bị đào bới.
  4. Khử trùng nơi có xác súc vật: sau khi chuyển xác súc vật đi chôn phải phun thuốc khử trùng hoặc rắc vôi bột vào chỗ đó. Nếu không có vôi bột hay hoá chất khử trùng thì có thể tập trung rác (khô) vào chỗ đó và đốt.
  5. Kiểm tra nơi chôn xác súc vật: Hàng ngày phải kiểm tra nơi chôn xác súc vật xem có bị súc vật hoặc chuột bọ đào bới hay không. Nếu phát hiện có mùi hôi thối hoặc bị đào bới thì phải lấp lại và rào chắn.

Nguyên tắc phòng chống bệnh lây truyền qua nước trong vùng lũ lụt

  • Thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp.
  • Áp dụng các biện pháp dự phòng chủ động từ trước khi xảy ra lũ lụt là yếu tố mang tính quyết định.
  • Khi lũ lụt xảy ra, việc xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân đóng vai trò quan trọng trong phòng chống dịch bệnh.
  • Tiến hành ngay các biện pháp y tế để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh.
  • Tổ chức tốt hệ thống giám sát thống kê báo cáo tình hình các bệnh truyền nhiễm để xác định sự bùng phát dịch bệnh và khẩn trương tiến hành các biện pháp khống chế.
  • Nhanh chóng điều tra các điểm được báo cáo về sự bùng phát dịch. Tổ chức cấp cứu, cách ly, điều trị kịp thời làm giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và chết.
  • Cung cấp đủ các cơ số thuốc, hoá chất, vật tư,… để thu dung và điều trị kịp thời các trường hợp bệnh khi có dịch xảy ra.
  • Sử dụng viên sủi Aquatabs 67mg để khử trùng nước ăn uống hoặc các hoá chất như Cloramin B xử lý môi trường, nguồn nước.

Đề phòng một số bệnh thường gặp sau bão lụt

Phòng bệnh đau mắt đỏ:

  • Không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn.
  • Không để trẻ em tắm gội, chơi đùa với nước bẩn.
  • Tra thuốc nhỏ mắt (Chloramphenicol 0,4% hoặc Argyrol 1%) cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn.
  • Rửa tay bằng xà phòng với nước sạch.
  • Không dùng chung khăn mặt, chậu rửa với người đang bị đau mắt đỏ.
  • Chú ý diệt ruồi vì ruồi truyền bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh sang người lành.

Phòng bệnh ngoài da do nước:

  • Không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước giếng đã khử trùng thì phải đánh phèn hoặc lọc nước bằng cát.
  • Không mặc quần áo ẩm ướt.
  • Trong mùa lũ, không để trẻ em bơi lội, tắm hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, không chỉ gây bệnh ngoài da mà còn có thể gây các bệnh tiêu chảy do trẻ nuốt phải nước bẩn.
  • Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn tù đọng. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón chân, tay.

Phòng các bệnh đường tiêu hóa vấn bệnh do véc tơ truyền:

Thực hiện đúng theo hướng dẫn của cơ quan y tế, lưu ý một số điểm sau:

  • Thực hiện đúng nguyên tắc “Ăn chín, uống chín”.
  • Không nên ăn rau sống lấy từ vùng ngập lụt.
  • Đảm bảo đủ nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt.
  • Xử lý tốt nguồn phân, chất thải, rác thải và xác chết.
  • Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
  • Uống hoặc tiêm vắc xin phòng bệnh khi có chỉ định.
  • Ngủ màn.
  • Loại bỏ những vũng nước tù đọng là nơi sinh sản của muỗi.
  • Phun hoá chất diệt côn trùng ở những nơi có nguy cơ cao hoặc khu vực có ổ dịch sốt rét, sốt xuất huyết.

Nguồn: Bộ Y Tế – Cục Quản Lý Môi Trường Y Tế

Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu hơn về công tác xử lý nước ăn uống và vệ sinh môi trường sau khi bão lụt. 

Nếu cần hỗ trợ tư vấn chi tiết vui lòng liên hệ cho NTS Engineering theo Hotline 0888 167 247.

Xem SỔ TAY BÃO LỤT các phần khác:

Phần 1

Phần 2

Phần 4

Phần 5

Phần 6

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *