Người vận hành giàu kinh nghiệm và am hiểu tính chất nước thải chỉ nhìn thôi cũng có thể đoán tương đối chính xác chất lượng nước thải sau xử lý. Vậy khi chưa có kinh nghiệm hoặc là chủ đầu tư thì có cách nào nhận xét nhanh hiệu quả vận hành?
Lưu ý rằng việc quan sát mẫu nước thải này chỉ cho ta kết quả tương đối, không định lượng. Bài viết sau giúp bạn là người vận hành không chuyên phán đoán sơ bộ để báo cáo với cấp trên về tình hình hoạt động của hệ thống.
1. Nước thải sau xử lý trong, rất ít cặn và hầu như không quan sát thấy:
+ Trường hợp 1: Bể lắng hoạt động bình thường, không có bùn nổi trên bề mặt. Điều này cho thấy hệ thống đang hoạt động rất ổn định. Các chỉ tiêu nước thải đầu ra đều thấp.
+ Trường hợp 2: Bể lắng xuất hiện bùn nổi dày trên mặt. Lúc này tuy nước thải sau xử lý trong nhưng sẽ không đạt quy chuẩn xả thải ở một số chỉ tiêu như Amoni, Nitơ tổng… Mời các bạn tham khảo thêm bài viết “Hiện tượng bùn nổi ở bể lắng” để có biện pháp khắc phục phù hợp.
2. Nước thải sau xử lý đục, có màu trắng sữa:
Trong nước thải đầu vào xuất hiện cặn dầu mỡ hay chất hoạt động bề mặt làm ức chế hoạt động của vi sinh. Mặc khác, các chất này phân hủy làm tăng nồng độ ô nhiễm. Với trường hợp này, hầu hết các chỉ tiêu của nước thải sau xử lý đều cao vượt quy chuẩn, đặc biệt chỉ tiêu COD rất cao.
3. Nước thải sau xử lý lẫn nhiều cặn:
Đối với trường hợp này cần kiểm tra lại bể lắng, hệ vi sinh trong bể sinh học, giảm thời gian lưu bùn ở bể lắng, theo dõi điều chỉnh tần suất tuần hoàn bùn, xả bùn dư và lưu lượng nước thải cấp vào hệ thống xử lý nước thải. Với trường hợp này, bùn vi sinh trôi ra sẽ phân hủy làm cho hầu hết các chỉ tiêu của nước thải đầu ra đều cao vượt quy chuẩn, đặc biệt là các chỉ tiêu SS, Amoni, độ đục.
4. Nước thải sau xử lý có màu vàng:
Đối với trường hợp này chúng ta cần kết hợp với kiểm tra nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải như BOD, Amoni, Nitrat…
+ Trường hợp 1: Nước thải có màu vàng nhưng các chỉ tiêu đầu ra đều đạt quy chuẩn. Đối với trường hợp này có thể do màu của chất dinh dưỡng được bổ sung thêm cho hệ vi sinh gây ra. Để khắc phục ta có thể sử dụng methanol, ethanol… thay cho mật rỉ đường.
+ Trường hợp 2: Nước thải có màu vàng và các chỉ tiêu đầu ra bị vượt như: BOD, Amoni, Nitơ tổng. Đối với trường hợp này cần kiểm tra lại hệ vi sinh trong cụm bể sinh học để đưa ra các giải pháp phù hợp. Thông thường là các nguyên nhân như hệ vi sinh đang trong quá trình nuôi cấy, hệ vi sinh trong bể bị giảm hoặc đã chết, nồng độ ô nhiễm của nước thải đầu vào cao…
5. Nước thải sau xử lý trong nhưng có những cặn nhỏ:
Đối với trường hợp này thì đa số các chỉ tiêu nước thải đầu ra sẽ không cao. Nhưng đây là hiện tượng báo hiệu cần phải xem xét lại hệ thống: kiểm tra hệ vi sinh, tỷ lệ dinh dưỡng, nồng độ chất ô nhiễm đầu vào…
Qua bài viết, hy vọng có thể giúp các bạn có cơ sở để đánh giá chất lượng nước thải sau xử lý và hiệu quả của hệ thống xử lý nước thải bạn đang sở hữu. Những thắc mắc về các công nghệ xử lý nước thải hay những sự cố phát sinh trong quá trình vận hành vui lòng liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0888 167 247 để được tư vấn cụ thể. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý nước thải, NTSE cam kết sẽ giúp doanh nghiệp của bạn sở hữu công trình đạt hiệu quả tối ưu và tiết kiệm nhất.