Khảo sát hệ thống xử lý nước thải là một công việc không hề dễ dàng. Trong bài viết “5 bước quy trình cải tạo hệ thống XLNT”, NTS có đề cập đến bước khảo sát nhưng không nói rõ. Vậy nên trong bài viết này NTS sẽ đào sâu hơn về công tác kiểm tra rà lỗi để anh em kỹ sư tham khảo nhé.
Công việc này đòi hỏi quy trình khảo sát chặt chẽ và người phụ trách khảo sát có kinh nghiệm. Vì phải có kinh nghiệm thì mới dễ nhận ra lỗi sai trong hệ thống được. Anh em nào vẫn còn non tay mà… đùng cái bị sếp điều đi khảo sát thì cũng đừng lo quá. NTS sẽ chia sẻ ngay sau đây nhưng tình huống khó xử thường gặp khi đi khảo sát cải tạo. Giúp anh em không bị lúng túng khi thực chiến nhé.
Khó khăn thường gặp trong công tác khảo sát hệ thống xử lý nước thải
1. Khó quan sát khu vực xuống cấp
Hệ thống xử lý nước thải là loại công trình mang nhiều chất bẩn, mùi hôi nên thường bị giấu đi. Đôi khi lại vì diện tích giới hạn nên hệ thống bắt buộc phải xây ngầm bên dưới công trình khác. Vì vậy nhiều trường hợp khu vực hệ thống xuống cấp rất khó quan sát. Phải quan sát trên bản vẽ thi công để tìm vị trí. Hoặc thậm chí phải khoan sàn để mở bể nếu cần thiết.
Còn một vấn đề nữa đó là thiết bị xử lý nước thải dùng nhiều năm bị xuống cấp. Thế nhưng đôi khi những thiết bị rỉ sét lại nằm ở vị trí khó thấy trong hệ thống. Ví dụ như dưới mực nước, trên mực nước nhưng nằm dưới mặt bể… nên bình thường khó mà phát hiện được. Phải khi sự cố xảy ra, leo vào trong bể kiểm tra mới thấy. Một số lỗi thiết bị mà NTS từng gặp: đĩa thổi khí bể điều hòa bị nghẹt bùn, máy thổi khí bị hỏng, hư bơm…
2. Thiếu thông số kỹ thuật thiết bị, thông số kỹ thuật không rõ, không đầy đủ
Ngành nào cũng có người này người kia. Có một số nhà thầu mua thiết bị kém chất lượng, không rõ nguồn gốc để lắp cho hệ thống. Mục đích nhằm giảm giá thành, thu hút Chủ đầu tư. Tuy nhiên các thiết bị này chỉ 3-5 năm là hỏng. NTS luôn nói không với hàng Trung Quốc, chỉ sử dụng thiết bị nhập từ G7 và Nhật. Mấy em này có thể dùng đến 10-20 năm mà chỉ rỉ sét bên ngoài chứ vẫn chạy ngon.
Các thiết bị không rõ nguồn gốc thì thường sẽ khó tìm thông số kĩ thuật trên mạng. Lúc này anh em phải xem lại trong bộ bản vẽ tổng thể hệ thống. Nếu không tìm thấy gì thì cũng đừng quá hoang mang. Rất có thể nhà thầu thi công ban đầu tranh thủ Chủ đầu tư không rành về kỹ thuật mà giao bản vẽ sơ sài.
Tình huống này sẽ không làm khó được dân kỹ thuật có kinh nghiệm. Chỉ cần quan sát ước lượng dung tích bể, đo lưu lượng nước đầu vào là có thể suy ra được. Trường hợp bí quá thì khi cải tạo cứ rút hết nước đi để kiểm tra lại thiết bị. Vì trên thiết bị luôn có khắc đầy đủ thông số kỹ thuật. Nếu không tìm thấy chữ hay số gì thì thiết bị đó gần như chắc chắn là đồ dỏm. Tốt nhất là bỏ đi thay mới toàn bộ cho yên tâm.
3. Không có bản vẽ hiện trạng
Thường nhà thầu thi công xây dựng hệ thống xử lý nước thải ban đầu sẽ bàn giao bản vẽ hoàn công cho chủ đầu tư. Nhưng vì nhiều lí do bản vẽ này có thể bị lạc mất và khi cần thì không có để đối chiếu. Đây là tình huống khó nhất cho nhà thầu cải tạo.
Tình huống này anh em kỹ sư đành phải “dò mìn”, tức là kiểm tra từng ngóc ngách. Sau đó vẽ lại bản vẽ hệ thống để cải tạo. Việc này sẽ mất rất nhiều thời gian nên khi báo giá anh em chỉ cần lên sơ bộ. Sau khi ký hợp đồng với Chủ đầu tư mới vẽ lại tỉ mỉ chính xác.
4. Bản vẽ hoàn công một đằng, thực tế thi công một nẻo
Trường hợp này tuy nghe rất vô lý nhưng thực tế lại có đấy anh em ạ. Chủ đầu tư họ chỉ cần một hệ thống xử lý nước thải cho đạt thông số để họ yên tâm sản xuất. Nên đôi khi không để ý đối chiếu chi tiết. Cũng không thể liên hệ với nhà thầu cũ mà mắng vốn được vì họ đã… một đi không trở lại rồi.
Lúc này thì anh em phải gồng lên mà gánh thôi. Đầu tiên hãy trình bày rõ khó khăn này cho Chủ đầu tư. Sau đó bắt tay vào thực hiện các thao tác như NTS đã mách cho anh em ở mục 2 và 3 (chui bể kiểm tra). Vì sao phải trình bày lại khó khăn này cho Chủ đầu tư? Vì việc bản vẽ chênh lệch so với thực tế sẽ phát sinh ra nhiều thay đổi về quy mô, thiết bị, chi phí. Nên anh em tốt nhất nên làm rõ với Chủ đầu tư càng sớm càng tốt.
5. Ô nhiễm không khí xung quanh khu vực khảo sát
Khi mở các bể xử lý ra để kiểm tra sẽ khó tránh mùi hôi bay ra xung quanh. Sự cố này ảnh hường trực tiếp tới người xung quanh nên sẽ phát sinh phàn nàn. Kèm theo đó là Chủ đầu tư sẽ đánh giá thấp năng lực của nhà thầu.
Vậy nên trước khi bắt đầu kiểm tra anh em cần phải có các biện pháp cô lập hệ thống. Chuyển hướng nguồn nước thải đầu vào. Set-up sẵn bộ vòi phun nước sạch để sục rửa khi cần thiết.
Các thao tác cần làm khi khảo sát một hệ thống xử lý nước thải xuống cấp
Có thể thấy, trong quá trình khảo sát nếu không có sự chuẩn bị kĩ càng sẽ rất dễ lúng túng khi gặp sự cố. Do vậy để công tác khảo sát được chính xác, tốt nhất đơn vị khảo sát nên lập một quy trình cố định. Khi cần cứ theo đó mà áp dụng từng bước. Ví dụ từng bước như sau:
- Cô lập hệ thống, tách nguồn nước thải không cho chảy vào hệ thống xử lý.
- Bơm cạn nước và làm sạch hệ thống, có thể dùng vòi xịt áp cao để xối rửa các ngóc ngách.
- Xuống các bể đang bị xuống cấp để kiểm tra kỹ các chi tiết bị hư hỏng.
- Vẽ lại bản vẽ Auto CAD chi tiết (nếu bản vẽ cũ chính xác thì scan lại chuyển vào CAD). Sau đó đánh dấu các vị trí cần sửa chữa hoặc thay thế thiết bị.
- Báo giá cho Chủ đầu tư.
Nếu Chủ đầu tư đồng ý bảng báo giá của Nhà thầu thì còn chần chừ gì nữa, chuyển ngay đến giai đoạn thi công thôi!
Nếu anh em là nhà thầu cần tư vấn kỹ thuật, tư vấn thiết kế, đừng ngần ngại liên hệ với NTS Engineering nhé!
CÔNG TY TNHH KỸ THUẬT NTS
Trụ sở: Số 15, đường số 3, Khu dân cư Gia Hòa, Phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0888 167 247
Email: nts@ntse.vn
Website: https://ntse.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/www.ntse.vn/