Năm 2018, Cty TNHH Kỹ thuật NTS được Chủ đầu tư, Tổng thầu lựa chọn là đơn vị “Cung cấp, lắp đặt thiết bị và thi công vận hành hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Quận 7 – Công suất: 300m3/ngày.đêm” với công nghệ AAO kết hợp MBR. Qua thời gian vận hành đến nay hệ thống đã cho thấy được những ưu điểm vượt trội. Để đạt được những thành quả đó ngoài việc lắp đặt đúng tiêu chuẩn theo yêu cầu từ nhà sản xuất, thì việc đảm bảo quy trình rửa màng MBR là yếu tố quan trọng. Thông qua bài viết này NTS sẽ hướng dẫn rửa màng MBR trong vận hành hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, bệnh viện
Tổng quan về hệ thống
Nước thải tại các cơ sở y tế chủ yếu phát sinh từ các nguồn như:
- Nước thải sinh hoạt của cán bộ y tế, bệnh nhân, thân nhân;
- Từ các hoạt động khám chữa bệnh, xét nghiệm;
- Vệ sinh dụng cụ y khoa, thiết bị y tế, các dụng cụ lưu trữ, bảo quản bệnh phẩm,…
Nếu những nguồn thải này không được thu gom và xử lý đúng quy chuẩn hiện hành trước khi thải ra môi trường tiếp nhận, sẽ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường nước, môi trường đất và phát tán các dịch bệnh trong cộng đồng.
Trong quá trình vận hành, NTS luôn quan tâm đến tình trạng thiết bị tại hệ thống. Đặc biệt là màng MBR, luôn được bảo trì, bảo dưỡng, vệ sinh đúng theo hướng dẫn nhà sản xuất. Vì màng MBR được xem là thiết bị “đắt giá” nhất của hệ thống này nên kỹ thuật vận hành màng MBR đóng vai trò quan trọng nhất.
Có 2 quy trình rửa màng MBR được khuyến cáo là rửa định kỳ MC – Maintenance cleaning, và rửa phục hồi RC – Recovery Cleaning. Các công đoạn rửa màng định kỳ (MC) sẽ được cài đặt và vận hành tự động bằng PLC (Programmable Logic Controller).
Để việc rửa màng phục hồi RC đạt hiệu quả, NTS mời các bạn tham khảo chi tiết các bước dưới đây.
Xem thêm: Thành phần, tính chất nước thải y tế, bệnh viện, phòng khám
Khi nào cần tiến hành rửa màng?
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, việc rửa màng phục hồi (RC) cần được tiến hành định kỳ 3 tháng/lần. Tuy nhiên, qua quá trình tiếp nhận nhiều hệ thống tương tự, vì nhiều lý do, việc rửa màng định kỳ không được thực hiện. Vì vậy ngoài việc rửa định kỳ, đối với từng hệ thống sẽ có những cách theo dõi tình trạng hoạt động của màng khác nhau.
Ví dụ: Cài đặt sensor áp suất âm, kết nối với PLC để cảnh báo tình trạng áp suất tăng hoặc lắp thêm đồng hồ áp suất tại đầu hút của bơm lọc. Nhưng chung quy lại, nguyên tắc để nhận biết thời điểm nào là cần thiết để tiến hành rửa màng là QUAN SÁT, SO SÁNH SỰ THAY ĐỔI ÁP SUẤT tại cùng một lưu lượng xử lý tại thời điểm bắt đầu vận hành và tại thời điểm kiểm tra tại đầu hút bơm lọc.
Thông thường áp lực hút âm từ 0,1kg/cm2 đến 0,35kg/cm2. Áp lực này có thể thay đổi tùy theo tổn thất đường ống và chiều sâu bể. Để chính xác, nên lưu lại thông số áp lực lúc bắt đầu vận hành khởi động hệ thống.
Ví dụ:
- Tại thời điểm bắt đầu vận hành áp lực đầu hút bơm lọc: 0,2kg/cm2.
- Tại thời điểm kiểm tra áp lực đầu hút bơm lọc: 0,35kg/cm2 → rửa định kỳ và kiểm tra hệ sục khí
- Tại thời điểm kiểm tra áp lực đầu hút bơm lọc: 0,45kg/cm2 đến 0,5kg/cm2 → rửa phục hồi
Các bước trong quy trình rửa màng MBR
a. Chuẩn bị
Công cụ, dụng cụ, trang phục bảo hộ
TT | CÔNG CỤ, DỤNG CỤ | ĐVT | SL | MỤC ĐÍCH | GHI CHÚ |
01 | Trang phục bảo hộ (ủng cổ cao, khẩu trang, găng tay, áo bảo hộ chịu được hóa chất) | Bộ | 01 | Ngăn ngừa việc cơ thể tiếp xúc với hóa chất | Số lượng tùy theo nhân công thực hiện |
02 | Máy xịt rửa cao áp | Cái | 01 | Xịt rửa vệ sinh bể chứa màng trước khi đổ hóa chất vào, cặn bẩn lâu ngày trên thành bể bong tróc làm giảm hiệu quả rửa màng | Có thể sử dụng ống nước và dụng cụ cọ rửa |
03 | Tuýp, cờ lê | Bộ | 01 | Kiểm tra, siết lại các vị trí kết nối bằng bulong sau thời gian vận hành |
Hóa chất rửa màng
Đối với từng loại nước thải khác nhau, loại hóa chất sử dụng cũng sẽ có sự thay đổi. Cụ thể:
- Đối với nước thải đầu vào có nồng độ chất vô cơ thấp, chỉ cần sử dụng Javel để làm sạch màng;
- Đối với nước thải đầu vào có nồng độ chất vô cơ cao, cần sử dụng thêm axit. Tuy nhiên, trước khi rửa bằng axit, cần thực hiện rửa bằng javel trước.
Tại đây, NTS hướng dẫn thực hiện rửa màng bằng Javel, vì nước thải bệnh viện có nồng độ chất vô cơ thấp, ít dầu mỡ.
Cách tính và chuẩn bị hóa chất:
- Hóa chất NaOCl với nồng độ 1.000 – 2.000 mg/L = 1 – 2 g/L
- Lượng nước cần dùng: V1 (lít) _ là thể tích bể lọc màng. Chiều cao mực nước trong bể cao hơn đỉnh màng 100 mm
- Nếu dùng Javel 10%, lượng Javen cần dùng: V1 x (2g/L) x 100/10 = A1 (g)
Xem thêm: Bảo trì bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải để quá trình vận hành mang lại hiệu quả tốt
b. Tiến hành
Bước 1: Cô lập nguồn nước vào bể chứa màng.
Bước 2: Sử dụng bơm cao áp vệ sinh bể chứa màng trước khi tiến hành nạp nước sạch và hóa chất. Sử dụng vòi nước sạch để rửa cặn bẩn bám trên sợi màng.
Lưu ý: Không sử dụng vòi xịt áp lực xịt trực tiếp vào sợi màng dễ gây đứt gãy.
Bước 3: Kiểm tra gioăng, siết lại bulong các vị trí kết nối bằng bulong. Nhằm đảm bảo áp lực khí, nước cấp vào bể không bị rò rỉ làm giảm hiệu quả rửa màng và tránh bùn, cặn bị hút vào trong từ các vị trí này.
Ví dụ: đường cấp khí, đường cấp nước.
Bước 4: Nạp nước sạch vào bể chứa màng (nước từ bể chứa nước rửa màng hoặc nước từ vòi nước thủy cục), bật máy thổi khí 20 – 30 phút cấp khí vào bể chứa màng. Sau đó bơm nước ra. Thực hiện 2 – 3 lần để làm sạch bùn, cặn bám trên màng.
Bước 5: Nạp nước sạch vào bể chứa màng, mực nước cao hơn đỉnh màng tối thiểu 10 cm.
Lưu ý: Không đổ hóa chất khi bể chưa được nạp nước sạch. Không đổ hóa chất trực tiếp lên màng.
Bước 6: Đổ Javel vào bể chứa màng theo tỷ lệ đã tính ban đầu. Bật máy thổi khí trong 2-3 phút để trộn đều hóa chất. Sau đó tắt máy thổi khí.
Lưu ý: Không thực hiện bước 5 trước bước 4. Vì nồng độ Javel ban đầu cao. Có thể ảnh hưởng đến sợi màng. Không đổ trực tiếp Javel lên sợi màng.
Bước 7: Khoảng 20 phút, bật máy thổi khí 1 phút. Thực hiện liên tục trong vòng 8 – 10 giờ
Lưu ý: Thời gian mỗi lần máy thổi khí chạy không nên quá lâu. Tránh Javel bốc hơi. Giảm hiệu quả rửa màng.
Bước 8: Bơm toàn bộ lượng nước, hóa chất ra. Nạp nước sạch vào bể để vệ sinh lượng hóa chất còn tồn đọng. Sau đó bơm toàn bộ nước này ra.
Bước 9: Tiến hành khởi động lại hệ thống. Nạp nước thải vào bể chứa màng. Chạy lưu lượng thấp hơn lưu lượng trước khi thực hiện rửa màng 20% trong 01 giờ đầu. Sau đó, tăng lưu lượng như ban đầu.
Bước 10: Kiểm tra đồng hồ áp suất đầu vào bơm lọc.
Áp suất giảm so với ban đầu 0.15 kg/cm2 – 0.2kg/cm2 quá trình rửa đạt hiệu quả.
Xem thêm: Xử lý nước thải công nghiệp đạt hiệu quả và tối ưu chi phí
Lưu ý: Trong bài viết này, NTS hướng dẫn cách rửa phục hồi (RC) màng MBR thương hiệu KOCH sản xuất tại Mỹ. Các thương hiệu khác, quy trình rửa màng có thể thay đổi. Chi tiết, các bạn có thể tham khảo các tài liệu kỹ thuật kèm theo sản phẩm hoặc liên hệ trực tiếp NTS để được hỗ trợ tốt nhất.
Như vậy các bạn thấy rửa màng MBR trong vận hành hệ thống xử lý nước thải không khó, chỉ cần thực hiện tỉ mỉ từng bước như hướng dẫn. Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã có thêm một số thông tin về quy trình rửa màng MBR trong vận hành hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, bệnh viện. Để biết thêm thông tin về các công nghệ màng trong xử lý nước thải, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi theo Hotline 0888 167 247 để được tư vấn cụ thể. Với nhiều năm kinh nghiệm xử lý nước thải cho nhiều lĩnh vực khác nhau, NTS cam kết sẽ giúp doanh nghiệp của bạn sở hữu công trình đạt hiệu quả tối ưu và tiết kiệm nhất.
CÔNG TY TNHH KỸ THUẬT NTS
Trụ sở: Số 15, đường số 3, Khu dân cư Gia Hòa, Phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0888 167 247
Email: nts@ntse.vn
Website: ntse.vn/xu-ly-nuoc
Facebook: facebook.com/INTSE.VNI/