11 bước trong quy trình xử lý nước thải dược phẩm đạt chuẩn

Quy trình xử lý nước thải dược phẩm

Xử lý nước thải dược phẩm là công đoạn thiết yếu trong quy trình sản xuất của nhà máy dược phẩm. Khác với các ngành công nghiệp khác, ngành dược phẩm thường có yêu cầu cao hơn trong quy trình xử lý nước thải nhằm đảm bảo chất lượng lượng phẩm, cũng như góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Cùng NTSE khám phá quy trình 11 bước xử lý nước thải dược phẩm trong bài viết ngay sau đây nhé!

Nguồn phát sinh nước thải dược phẩm

Nước thải dược phẩm thường phát sinh ra từ các nguồn sau:

  • Trong quá trình sản xuất thuốc và sản xuất vỏ nang ở các phân xưởng trong nhà máy.
  • Quy trình vệ sinh và lau rửa các thiết bị, dụng cụ sau một lượt sản xuất.
  • Quá trình sinh hoạt của nhân viên, căng-tin trong khu vực nhà máy.

Nước thải dược phẩm thường chứa các thành phần khó xử lý như các chất hữu cơ khó tan có cấu trúc phức tạp bao gồm hợp chất vòng β- lactam, các chất hoạt động bề mặt, thuốc thử, dung môi, hàm lượng dầu mỡ cao, hợp chất mạch vòng gelatin…

Quy trình xử lý nước thải dược phẩm

Đây đều là những thành phần rất khó xử lý, đặc biệt các chất hoạt động bề mặt trong nước thải dược phẩm sẽ tạo bọt, gây cản trở quá trình lọc tự nhiên, ngăn chặn quá trình hòa tan oxy trong nước, làm ảnh hưởng đến hoạt động của vi sinh vật và các động vật thủy sinh, làm suy thoái nguồn nước và gây ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, quy trình xử lý nước thải dược phẩm cần kết hợp các phương pháp hóa học, sinh học thì mới có thể xử lý triệt để các chất ô nhiễm. Vậy, quy trình xử lý này bao gồm những bước cụ thể như thế nào?

Công nghệ xử lý nước thải dược phẩm đạt chuẩn với 11 bước

1/ Bể tách dầu mỡ

Đối với các nhà máy dược chuyên sản xuất thuốc kháng sinh và vỏ nang, nước thải ra sẽ chứa hàm lượng dầu mỡ khá cao nếu không xử lý có thể gây phát sinh mùi hôi, cản trở quá trình lọc tự nhiên trong nước, tập trung vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh.

Bể tách dầu mỡ có công dụng lọc tách dầu mỡ, gạn bỏ lá cây, rác,…có trong nước thải, hạn chế tắc nghẽn đường ống, giảm nguy cơ gây hư hỏng các thiết bị, đảm bảo cho quá trình xử lý ở các công đoạn phía sau.

Quy trình xử lý nước thải dược phẩm

2/ Bể điều hòa

Tính chất nước thải sẽ phụ thuộc hoàn toàn và quy trình và công đoạn sản xuất dược phẩm nên tính chất và nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải dược phẩm thường không đồng đều theo ngày

Vì vậy, bể điều hòa có nhiệm vụ tiếp nhận nước thải dược phẩm vào các thời điểm khác nhau để điều hòa lại nồng độ và lưu lượng nước thải, tạo dòng nước ổn định nhất cho các công đoạn xử lý tiếp theo phía sau.

Thông thường, trong bể điều hòa, người ta còn lắp đặt thêm hệ thống sục khí nhằm xáo trộn đều dòng nước, tránh tình trạng phân hủy kỵ khí diễn ra trong bể.

3/ Bể keo tụ – tạo bông

Từ bể điều hòa, nước thải được dẫn sang bể keo tụ – tạo bông để loại bỏ 2 thành phần ô nhiễm là hàm lượng cao COD và cả độ màu. Bể keo tụ – tạo bông sẽ được chia làm 2 ngăn nhằm tiết kiệm diện tích và nâng cao hiệu quả xử lý.

Ngăn keo tụ có nhiệm vụ hòa trộn hóa chất keo tụ như PAC, Phèn Sắt, Phèn nhôm nhờ bộ khuấy trộn tốc độ cao, sau đó hỗn hợp nước thải sẽ chảy qua ngăn tạo bông. Trong ngăn tạo bông, máy khuấy trộn sẽ quay với tốc độ chậm hơn, làm cho hóa chất tạo bông phân tán đều trong nước thải. Nhờ có hóa chất trợ keo tụ (polymer) mà các bông cặn hình thành kết dính với nhau thành những bông cặn có tỷ trọng lớn hơn và lắng dần xuống đáy.

Quy trình xử lý nước thải dược phẩm

4/ Bể lắng hóa lý

Dựa vào sự chênh lệch tỷ trọng giữa bông bùn và nước thải cùng tác dụng trọng lực trong bể lắng 1, các bông bùn sẽ được lắng xuống dưới đáy, phần nước sẽ di chuyển lên trên và theo máng thu chảy qua bể oxy hóa. Phần cặn bùn được thu gom định kỳ và cho qua bể nén bùn.

5/ Bể oxy hóa

Bể oxy hóa có nhiệm vụ phân hủy các hợp chất hữu cơ khó tan có trong nước thải dược phẩm thành phân tử vô cơ hoặc hợp chất hữu cơ dễ tan hơn. Bể oxy thường được sục khí ozon, là một chất oxy hóa mạnh có tác dụng phá hủy hầu hết các hợp chất hữu cơ khó tan. Ozon có khả năng khử màu, khử các hợp chất mạch vòng như phenol, khử độ màu, làm tăng DO, không gây độc hại.

6/ Bể UASB kỵ khí

Bể UASB là công nghệ xử lý sinh học kỵ khí, có chức năng xử lý nước thải dược phẩm và làm giảm nồng độ BOD, COD một cách hiệu quả. Bể UASB hoạt động theo cơ chế nước phân phối từ dưới lên và được khống chế ở vận tốc phù hợp.

>>> Xem thêm: 3 quy trình xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học hiếu khí phổ biến hiện nay

Quy trình xử lý nước thải dược phẩm

7/ Bể sinh học hiếu khí

Trong bể sinh học hiếu khí, vi sinh tồn tại ở trạng thái lơ lửng. Quá trình phân hủy xảy ra khi nước thải tiếp xúc với bùn vi sinh trong trạng thái được sục khí liên tục nhằm đảm bảo cung cấp oxy liên tục cho vi sinh vật hoạt động và đảm bảo bùn hoạt tính duy trì trạng thái lơ lửng. Người ta cần tính toán chính xác cường độ và lượng khí cấp cho hệ thống để tránh tình trạng sục khí quá mạnh làm vỡ các bông bùn.

8/ Bể lắng sinh học

Bể lắng sinh học có nhiệm vụ phân tách bùn hoạt tính và nước thải dưới tác dụng của trọng lực và chênh lệch tỷ trọng. Một phần bùn sẽ được tuần hoàn trở lại bể sinh học hiếu khí để tăng sinh khối cho vi sinh vật. Phần nước trong còn lại sẽ theo máng thu chảy qua bể khử trùng để tiến hành công đoạn tiếp theo.

9/ Bể khử trùng

Bể khử trùng sẽ có cấu tạo vách ngăn nhằm tạo điều kiện tốt nhất để hóa chất khử trùng khuếch tán vào dòng nước thải, phá hủy tế bào và tiêu diệt các sinh vật, vi khuẩn, vi trùng gây bệnh tồn tại trong nước thải dược phẩm.

10/ Bể lọc

Bể lọc thường sử dụng các vật liệu lọc như cát, sỏi, than hoạt tính,…nhằm loại bỏ được tất cả những chất rắn lơ lửng, chất hữu cơ có kích thước nhỏ còn sót lại mà các công đoạn trước chưa xử lý triệt để.

Quy trình xử lý nước thải dược phẩm

11/ Bể chứa bùn

Lượng bùn sinh ra từ bể lắng hóa lý và bể lắng sinh học được thu gom và dẫn về bể chứa bùn. Bể chứa bùn còn góp phần phân tách một lượng nước thải ra khỏi bùn và đưa trở lại bể điều hòa để xử lý một lần nữa. Phần bùn còn lại sẽ được đem đi xử lý định kỳ theo quy định của pháp luật.

Xử lý nước thải dược phẩm mang tính ứng dụng thực tế rất cao nhằm mang đến lợi ích kinh tế, bảo vệ sức khỏe cho người dân và nâng chất chất lượng dược phẩm. Nếu bạn có thắc mắc hay nhu cầu trong vấn đề xử lý nước thải thì hãy liên hệ ngay với NTSE nhé!

>>> Xem thêm: dịch vụ xử lý nước thải trọn gói, tối ưu chi phí đầu tư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *